Cách phản biện thuyết phục

Để đặt vấn đề, mình xin chia sẻ một vài cảm nghĩ của bản thân về cách để tranh luận thuyết phục hơn, ý kiến phản biện có giá trị hơn: – Thứ nhất, nội dung phải chính xác một cách tương đối. “Nói có sách, mách có chứng”, lập luận dựa trên nền tảng…


phan bien

Để đặt vấn đề, mình xin chia sẻ một vài cảm nghĩ của bản thân về cách để tranh luận thuyết phục hơn, ý kiến phản biện có giá trị hơn:

– Thứ nhất, nội dung phải chính xác một cách tương đối. “Nói có sách, mách có chứng”, lập luận dựa trên nền tảng chứng cứ thì quả thực rất khó để bác bỏ. Mức độ vững chắc của chứng cứ có thể tạm xếp hạng như sau: Số liệu/ dữ liệu thống kê > Công trình khoa học > Kết quả khảo sát > Nhận định của chuyên gia > Kinh nghiệm cá nhân > Nhận định của cá nhân > Nghe mọi người nói… Như câu nói: “Nói phải củ cải cũng nghe” là có ý chỉ việc nói có căn cứ thì ai cũng phải nghe vậy.

Mặt khác, một lập luận đưa ra nhiều ví dụ cũng làm tăng tính thuyết phục. Ví dụ càng sát với lập luận, càng gần với thực tế thì càng thuyết phục và làm tăng tốc độ nắm bắt, hiểu ý của đối phương.

Vấn đề tiếp theo là “Vốn từ”. Nếu đôi khi bạn ngờ ngợ có ý tưởng phản biện nhưng không thể biểu đạt nó ra ngoài một cách chính xác, không thể khiến đối phương hiểu ý tưởng đó, thì có thể vấn đề nằm ở vốn từ của bạn. Khái niệm này không chỉ áp dụng trong ngoại ngữ mà cả ở tiếng Việt. Từ ngữ kỳ diệu ở chỗ bằng những từ đơn lẻ vô nghĩa, ta sắp xếp chúng theo một trật tự để truyền đạt ý tưởng của ta. Vốn từ càng lớn, kinh nghiệm sử dụng từ ngữ càng lớn thì văn phong nghe càng hấp dẫn, lập luận nghe càng cuốn hút.

– Thứ hai, về hình thức: một trong những hình thức trình bày lập luận tương đối chặt chẽ và phổ biến mà ta có thể tham khảo của ngành Luật, đó là dạng: “Căn cứ vào……quy định về……có nội dung….thì…..”. Nghĩa là đưa ra cái chung để nói cái cụ thể, đặt ra nền tảng đã được công nhận trước, rồi xây dựng lập luận lên trên cho phù hợp với ý tưởng cần diễn đạt.

Trình bày rõ ý cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với các vấn đề phức tạp. Chọc ngoáy vào một khía cạnh nhỏ mà không bàn tới cái tổng thể dễ làm cuộc tranh luận sa vào vũng lầy không thể cứu vãn được. Thay vì thế hãy lập luận từng vấn đề nhỏ một cách mạch lạc, sử dụng gạch đầu dòng hoặc các ký tự đặc biệt (dấu *, đánh số…) nếu cần. Cuối cùng tổng kết và đánh giá chung, vừa làm cho đối phương thấy rằng bạn có cái nhìn tổng quát và khách quan, vừa giúp bản thân bạn nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn, dễ nắm bắt và tìm ra điểm bất hợp lý hơn.

Một vấn đề khác khi tranh luận bằng ngôn ngữ viết đó là hãy “cố gắng” viết đúng chính tả. Rất nhiều người trong chúng ta để ý vấn đề chính tả, đó không phải xấu tính mà đó là một đặc điểm tâm lý bình thường, nhất là với những người đã đọc qua nhiều sách, báo, tài liệu.v.v.. Giống như việc ta cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy một hàng gạch đều tăm tắp tự nhiên lại có một viên gạch đặt lệch vậy, nó nổi bật, nó chễm chệ vươn cao và vỗ ngực ta đây sẽ gây khó chịu cho nhà ngươi mất ngủ. Do đó, hãy viết đúng chính tả, không chỉ trong câu từ mà cả trong việc sử dụng dấu câu và chữ in hoa. Một số cách viết gây khó chịu ví dụ như: “Hôm nay trời nắng không ?”, hay: “Ta kết luận : trái đất hình vuông !”.v.v.v…

– Thứ ba, về mặt cảm xúc của đối phương. Đôi khi bạn lập luận rất có căn cứ, rất hùng hồn, nhưng không hiểu sao đối phương không chịu thay đổi quan điểm. Tranh luận qua lại đến khi bạn cảm thấy thực sự bất lực trước IQ của đối phương.v.v.v. Nếu vậy thì rất có thể bạn đã bỏ qua yếu tố cảm xúc trong tranh luận. Tâm lý bình thường của một người là chấp nhận lắng nghe khi cảm thấy đối phương cũng đang lắng nghe. Lý do mà đa số mọi cuộc cãi vã đi vào ngõ cụt là vì chẳng ai lắng nghe ý kiến của ai hết.

Như vậy, lập luận của bạn sẽ thuyết phục hơn nếu bạn biết cách nuông chiều cảm xúc của đối phương. Cách thực hiện ví dụ như sau: Thay vì nói: “Bạn ng* v*c, vấn đề đ*o phải như thế, mà là…..” thì hãy nói: “Ngày trước mình cũng nghĩ như thế, nhưng sau khi tìm hiểu thì mới biết là….”. Hoặc thay vì nói: “Bạn nói cái **v, tôi cũng đ*o hiểu bạn đang nói gì luôn, vấn đề là….” thì hãy nói: “Đoạn này mình cũng chưa hiểu rõ lắm, nhưng ý bạn là…., nếu thế thì….”. Thay vì nói: “Bạn nói sai hết ****, vấn đề là…” thì hãy nói: “Đồng ý là…., nhưng….”..v.v. Và còn rất nhiều cách thức khác. Hãy thể hiện rằng bạn đã lắng nghe toàn bộ lập luận của đối phương, đôi khi hãy nhắc lại một cách tóm tắt theo ý hiểu của bạn về lập luận của đối phương, sau đó phản biện. Lúc này họ sẽ cảm thấy rằng bạn thực sự đã hiểu những gì họ nói, sau đó mới bàn đến đúng hay sai.

Đương nhiên hãy làm việc này một cách thật tâm và không hề thảo mai nhé.

– Cuối cùng là cảm xúc và thái độ của bản thân bạn. Việc giữ thái độ bình tĩnh và cảm xúc điềm đạm trong tranh luận sẽ giúp ích rất rất nhiều, như câu nói: “Cả giận mất khôn”. Bực tức và nóng nảy tốn rất nhiều năng lượng để dồn vào nuôi dưỡng những suy nghĩ tiêu cực và trách móc, ví dụ như: “Tại sao thằng này nó lại n** thế nhỉ, nói mãi không hiểu” hay “Công kích cá nhân cái **v”, ông chửi tôi thì tôi chửi ông.v.v.. Ngay cả trong cảm xúc bình thản, điềm đạm nhất thì việc trau chuốt câu từ, tìm căn cứ và nêu lập luận sao cho thuyết phục đã là việc chẳng dễ dàng gì, ấy thế mà còn đang cáu thì quả thực chỉ muốn chửi cho đối phương một trận hả dạ thôi chứ còn tranh luận gì nữa.

Hóa ra nuông chiều cảm xúc đối phương thì giúp ta tiến xa hơn trong cuộc tranh luận, còn nuông chiều cảm xúc cá nhân chỉ khiến mọi thứ nhanh đâm vào ngõ cụt hơn mà thôi.

Vậy, ý kiến hay chia sẻ của bạn như thế nào? Kinh nghiệm hay cách thức nào để lập luận của ta thuyết phục hơn?


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *