Câu chuyện Cây Sim – cổ tích nước Ý do nhà thơ Giambattista Basile

Cổ tích Grimm vừa đen tối vừa tàn bạo. Nhưng cổ tích của Ý lại thêm một yếu tố cũng hấp dẫn không kém: dục vọng. Đó chính là câu chuyện Cây sim, cổ tích nước Ý do nhà thơ Giambattista Basile sưu tập. Chuyện kể rằng ở làng Miano có một cặp vợ chồng…


chuyen co cay sim

Cổ tích Grimm vừa đen tối vừa tàn bạo. Nhưng cổ tích của Ý lại thêm một yếu tố cũng hấp dẫn không kém: dục vọng. Đó chính là câu chuyện Cây sim, cổ tích nước Ý do nhà thơ Giambattista Basile sưu tập.

Chuyện kể rằng ở làng Miano có một cặp vợ chồng luôn khao khát có một đứa con. Không như mẹ Bạch Tuyết ước đứa con da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, người vợ chỉ ước có một đứa con bất kể nó có phải là người hay cành sim. Thế là bà sinh ra một cành sim thật… Người mẹ rất mừng rỡ vì cuối cùng cũng có “con” và cho nó vào chậu ngày đêm chăm bẵm.

Đó là một cành sim vô cùng đẹp, đẹp mỹ miều tới nỗi khi con trai nhà vua đi qua thì đã thấy muốn sở hữu ngay. Vì người mẹ rất yêu đứa con sim của mình, bà bán nó cho hoàng tử rồi dặn phải chăm sóc cẩn thận. Chàng trịnh trọng đặt cành sim ở buồng ngủ, ngày đêm đích thân chăm sóc nó.

Tới đây, câu chuyện lẽ ra có thể giống Tấm Cám khi mà nàng tiên sim bước ra dọn dẹp nhà cửa cho hoàng tử. Nhưng không, nàng tiên sim này chọn hiện ra vào buổi đêm lúc chàng đang ngủ say. Hoàng tử nghe thấy tiếng động, nhưng không bật dậy mà chờ đợi xem người kia định làm gì. Thì ra đó là một bàn tay mềm mại của một cô gái đang chạm vào người chàng. Chàng cảm thấy vô cùng rạo rực.

Bảy đêm liên tiếp cứ liên tục cảm nhận tiếp xúc của người con gái lạ cạnh mình, chàng thấy vô cùng nóng lòng. Để ngăn cô biến mất khi mặt trời mọc, chàng đã nhân cơ hội lúc cô đang ngủ để buộc một lọn tóc vào ngón tay. Khỏi phải nói là chàng đã bị choáng ngợp thế nào trước nhan sắc của nàng tiên sim. Chàng hỏi cưới nàng ngay tắp lự.

Nàng tiên cũng không hề khép nép, nàng nói rằng từ giờ nàng là người hầu, là nô lệ tình yêu của chàng và chàng hãy làm bất cứ điều gì chàng muốn và khao khát. Đúng vậy, sau cuộc gặp gỡ đó là họ không hề rời khỏi phòng nửa bước vì cứ mải mây mưa hết lần này đến lần khác. Hoàng tử đắm chìm trong ham muốn và tình yêu.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Định mệnh luôn là vật cản cho bước chân của Tình yêu – chưa dứt cơn đê mê thì Hoàng tử được triệu đi săn một con lợn rừng. Không muốn vợ dành cho bất cứ ai khác, chàng gọi nàng đến và dặn không được ra khỏi chậu cho đến khi quay lại. Nàng tiên đồng ý, không quên dặn hoàng tử treo một chiếc chuông lên cành sim để lúc nào trở về sẽ rung để nàng biết mà hiện hình.

Hoàng tử vừa đi khỏi thì có bảy người phụ nữ (có sách viết là bảy gái điếm mà chàng đã qua lại) ghen tị với vợ của chàng nên đã đến vặt hết lá của cây sim. Điều đó đã vô tình khiến chuông rung lên – nàng tiên tưởng chồng về nên đã biến thành người. Sáu phụ nữ trong số đó vừa thấy nàng thì lao vào phanh thây, xẻ thịt cô. Họ chia nhau mỗi người một bộ phận cơ thể – riêng có cô thứ bảy không tham gia vào nên chỉ dám nhận lọn tóc vàng. Rồi chúng bỏ đi.

May mắn thay, người hầu của hoàng tử khi thấy đống bầy hầy máu và thịt kia đã gom những gì còn sót lại và chôn lại vào cái chậu. Cây sim lại mọc lên. Khi hoàng tử quay lại và rung chuông, cô không xuất hiện nữa – tuy nhiên khi thấy chồng khóc thương mình quá nhiều tới mức xanh xao, nàng tiên lại được hồi sinh trở lại.

Cái kết khá là có hậu… Trong đám cưới của mình, hoàng tử cố tình mời 7 cô gái kia và vờ hỏi quan khách đâu là hình phạt thích đáng cho kẻ ác xé nát cô dâu của mình. Nhiều hình phạt được đưa ra, tới lượt bảy người phụ nữ độc ác thì nói rằng tên tội phạm nên bị chôn sống. Hoàng tử đồng ý, đem chôn cả sáu người trong ngục tối. Chàng ta gả cô thứ bảy kia cho người hầu phòng.

Họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *