Your cart is currently empty!
Heartstopper – Bộ phim mình muốn gửi đến bản thân năm 16 tuổi chênh vênh
Những ngày gần đây, Heartstopper (Trái tim ngừng nhịp) đổ bộ Netflix và “càn quét” mạng xã hội của những ai yêu thích những bộ phim coming of age hay phim về cộng đồng LGBTQ+. Đối với mình, đây là một trong những bộ phim coming of age mình thấy “thật” nhất và đồng cảm…

Những ngày gần đây, Heartstopper (Trái tim ngừng nhịp) đổ bộ Netflix và “càn quét” mạng xã hội của những ai yêu thích những bộ phim coming of age hay phim về cộng đồng LGBTQ+. Đối với mình, đây là một trong những bộ phim coming of age mình thấy “thật” nhất và đồng cảm nhất kể từ sau Young Royals. Mình ước gì, mình của những năm 16 chênh vênh hoang mang nhất có thể được xem bộ này.
Vậy tại sao, trong rất nhiều phim cùng đề tài và thể loại ngoài kia, Heartstopper khiến mình phải cười phải khóc khi xem?
Bộ phim thực tế và đề cập đến những vấn đề của thanh thiếu niên LGBTQ+ ngày nay
Bộ phim vốn chuyển thể từ webtoon nổi tiếng cùng tên và cả phim lẫn truyện đều đề cập đến những vấn đề rất gai góc và thực tế của những thanh thiếu niên ngày nay: những trăn trở suy tư về bản thân, chứng rối loạn ăn uống, bắt nạt học đường, những mối quan hệ độc hại (Ben và Charlie), thăng trầm của cả tình bạn và tình yêu.
Bộ phim đề cập vấn đề thực tế, không tô hồng chuyến hành trình khó khăn tìm kiếm chính mình, nhưng đồng thời cũng rất ấm áp và healing khi hạnh phúc sẽ tới với những ai dám nhìn nhận bản thân chân thật nhất.
Khắc họa chân thật giới trẻ ngày nay
Với tư cách là một người chỉ vừa mới đi qua những năm trung học, mình nhìn thấy bản thân trong bộ phim này. Đương nhiên những khác biệt về văn hóa sẽ không khiến mình đồng cảm 100% nhưng đa số những vấn đề đưa ra trong phim bản thân đều đã trải qua.
Bộ phim khắc họa chân thật nhất về một thế hệ dám nhìn nhận bản thân, dám đứng lên cho chính mình, dám nâng niu những cảm xúc của bản thân. Đó là một Charlie (hay Darcy) đã luôn biết mình khác biệt, cậu chỉ cần kiếm ra một danh từ để gọi lên sự khác biệt về xu hướng tính dục đó. Đó là những đứa trẻ khủng hoảng khi nhận ra mình chẳng như mình luôn nghĩ (Nick với bi-panic hay Tara với những cú sốc sau khi come out). Đó là Ben khi cố gắng giấu diếm mối tình với Charlie trong góc hành lang và có một cô bạn gái nơi sân trường để trông “bình thường”.
Đồng thời, đó cũng là những giây phút lướt qua insta người ta xem đi xem lại, đó là những những tin nhắn instagram nhắn rồi lại xóa rồi lại nhắn rồi lại xóa. Đó là khủng hoảng khi yêu nhầm trai “thẳng”, đó là những buổi thâu đêm nhắn tin với hội bạn xin ý kiến. Sau tất cả, đó là những người trẻ dám nhìn nhận bản thân, search Google cho những câu trả lời mình là ai chứ chẳng hề trốn tránh và giấu nó đi. Đó là hội bạn điển hình với ít nhất 1-2 đứa “bê đê”, trai thẳng vui tính, gái thẳng điên, đứa mọt sách lowkey đáng yêu,…
Đồng thời cũng đề cập đến vấn nạn bắt nạt học đường, khi khác biệt trở thành lí do cho những tổn thương tâm lý, khi khác biệt trở thành lí do để một số cá nhân cho rằng mình có quyền chỉ trích người khác.
Diễn biến tâm lý hợp lý
Dù sống trong một thời đại “mở” hơn, việc chấp nhận bản thân là chưa bao giờ dễ dàng. Bộ phim đã miêu tả các diễn biến tâm lý của các nhân vật theo mình đánh giá là hợp lý.
Nick đi từ: nghi ngờ bản thân mỗi khi nhìn thấy Charlie ⇒ Chấp nhận mình thích cậu ta mất rồi ⇒ Yêu nhau đấy nhưng hãy giữ mối tình này một bí mật nhé ⇒ Thôi thì bạn bè chung của nhau nên biết về mối quan hệ này ⇒ Đưa hint cho toàn trường ⇒ Không cần cả thế giới biết nhưng come out với những ai thật sự quan trọng.
Hay Tara đi từ việc công khai đến khủng hoảng khi người khác ghê tởm mình (sau khi đã come out) đến học cách mặc kệ miệng đời và tập trung vào những ai làm bản thân hạnh phúc.
Sát nguyên tác
Alice Oseman, tác giả bộ truyện, tham gia vào quá trình sản xuất. Nhờ vậy mà bộ phim như bước ra từ những trang sách với những gương mặt mới đúng tuổi (Kit sinh năm 2004, Joe sinh năm 2003 hay Sebastian sinh năm 2001).
Góc quay và màu phim đẹp
Màu phim thay đổi từ tone ấm trong những cảnh vui vẻ đến tone lạnh khắc họa những trăn trở của các nhân vật. Góc quay đẹp khiến chúng ta như thật sự sống trong câu chuyện.
Việc thêm vào các hiệu ứng ở những cảnh quan trọng (lúc nắm tay hay nhìn nhau là có pháo hoa tưng bừng) hay cách đặc tả giây phút Nick nhận ra mình là bisexual thông qua cảnh quay phim Pirates of the Caribbean.
Mình hy vọng mình của tuổi 16 chênh vênh nhất có thể xem bộ phim này, để mình không phải có những đêm khóc vì khủng hoảng tìm kiếm bản thân. Mình không thể có được điều đó, hy vọng bộ phim này sẽ đến với những người cần nó nhất trong giai đoạn tuổi teen chênh vênh đến điên rồ. Và mình cần season 2-3-4-…-n của bộ phim này.
Share with
/
Để lại một bình luận