[Review Phim] Drive my car – Con sóng ngầm quẫy trào ẩn dưới mặt biển phẳng lặng

Drive my car là bộ phim được dựa trên truyện ngắn cùng tên và một số truyện ngắn khác trong tuyển tập truyện ngắn “Những người đàn ông không có đàn bà” của tác giả người Nhật Haruki Murakami.

163
0
Drive My Car 2

– Nếu tôi là cha cô, tôi sẽ ôm cô vào lòng và nói “việc này không phải lỗi của con. Con không làm gì sai sả”. Nhưng tôi không thể nói vậy. Cô đã giế*t mẹ mình. Và tôi giế*t vợ tôi.
– Phải.

Drive my car là bộ phim được dựa trên truyện ngắn cùng tên và một số truyện ngắn khác trong tuyển tập truyện ngắn “Những người đàn ông không có đàn bà” của tác giả người Nhật Haruki Murakami.

Xem phim, là bạn bước vào hành trình mang một bề mặt êm đềm, chậm rãi của một đại dương xanh thẳm. Nhưng ẩn chứa bên dưới là tầng tầng lớp lớp những sóng ngầm đang quẫy trào, gào thét. Hệt như những gì mà nội tâm của bộ ba nhân vật chính đang thể hiện.

Yusuke Kafuku

Đó có thể là Yusuke Kafuku – người đàn ông bất hạnh từng có tất cả. Một gia đình êm ấm, một người vợ xinh đẹp tài năng, một đứa con gái dễ thương. Nhưng rồi lại mất tất cả sau cái chết của cô con gái bé bỏng khi chỉ mới 4 tuổi. Để rồi từ đó, mọi cánh cửa như đổ sập trước mặt anh. Hai vợ chồng từ chối chấp nhận sự thật. Họ chối bỏ, trốn chạy và chẳng còn đề cập tới nỗi đau vốn đang gặm nhấm họ mỗi ngày. Vờ như mọi chuyện vẫn ổn.

Ngay cả khi bắt gặp vợ ngoại tình với chàng diễn viên trẻ ngay trong chính căn nhà mình, Yusuke Kafuku vẫn vờ như không thấy, vẫn ân ái và nói những lời yêu thương với cô trong khi lồng ngực thì đang âm ỉ cháy. Hay thậm chí là đến lúc cô ra đi một cách đột ngột, người ta vẫn thấy anh mang một khuôn mặt không có nhiều biểu cảm. Không thể hiện nhiều nỗi đau.

Đó có thể là Misaki Watari, cô nàng tài xế mang vẻ ngoài lầm lì, lạnh tanh, tưởng chừng như bình thản nhưng lại có một tuổi thơ bị bạo hành bởi chính mẹ ruột và luôn mang trong mình nỗi day dứt ám ảnh không tên khi đã lựa chọn không cứu bà ra khỏi đống đổ nát.

drive my car

Tưởng chừng một bộ phim mà sắc màu lạnh, không khí u ám, khô khốc kéo dài đến 2/3 thời lượng như Drive my car sẽ kéo dài đến hết cuối phim. Và người xem sẽ mang tâm trạng như đá đè nặng nơi lồng ngực cho đến những giây phút cuối cùng. Nhưng không.

Hành trình họ đi cùng nhau trên chiếc xe, là hành trình họ học cách chậm rãi mở lòng, lắng nghe và chữa lành cho nhau. Để rồi khi đi về cuối chặng đường ấy. Lần đầu tiên sau thật nhiều năm trời. Lớp bề mặt của biển sâu lòng họ đã bắt đầu có những cơn sóng. Họ khóc, và an ủi lẫn nhau.

Với một số người, việc khóc lóc, thể hiện sự yếu đuối hay là nói ra hết nỗi lòng mình thật đơn giản. Nhưng với một số người, một số nền văn hóa mà đặc biệt là người Nhật như Misaki Watari và Yusuke Kafuku thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là cả một hành trình dài.

Kết thúc phim, mình cảm thấy thật thanh thản và nhẹ nhõm. Và yêu đời, và thêm nhiều lòng tin vào một điều gì đó tươi sáng sẽ đến trong tương lai. Phải chăng, đây là lý do khiến Drive my car được yêu thích đến thế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *