Tâm trạng khi yêu – Khi nào là thời khắc đẹp nhất của đời người?

Tiêu đề tiếng Hoa trong tuyệt phẩm của Vương Gia Vệ mở đầu bằng hoa, kết thúc cũng là hoa. Khởi đầu rực rỡ như hoa, nhưng năm tháng dần qua, cánh hoa dần tàn. Ấy rồi, kết thúc vẫn là sắc hoa nở. Nếu hiểu như vậy, có phải mỹ cảnh đẹp nhất đời…


tam trang khi yeu

Tiêu đề tiếng Hoa trong tuyệt phẩm của Vương Gia Vệ mở đầu bằng hoa, kết thúc cũng là hoa. Khởi đầu rực rỡ như hoa, nhưng năm tháng dần qua, cánh hoa dần tàn. Ấy rồi, kết thúc vẫn là sắc hoa nở. Nếu hiểu như vậy, có phải mỹ cảnh đẹp nhất đời người cũng là thời gian đen tối nhất của cuộc đời Châu Mô Văn (Lương Triều Vỹ) và Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc)?

Ông Châu và bà Tô dọn đến cùng dưới một mái nhà, trong cùng một ngày, với cùng chung một hoàn cảnh: Đều vẫn còn trẻ nhưng phải thường xuyên chịu cảnh giường đơn gối chiếc. Ấy rồi, từ một chiếc túi xách và cà vạt hàng ngoại giống nhau, cả hai người họ chịu thêm một nỗi đau chung: Nỗi đau phản bội.

Hai tâm hồn phiền muộn tìm được nhau, như một sự sắp đặt từ rất lâu trước đó. Họ gặp nhau nhiều hơn, đi ăn với nhau, thậm chí là cùng ở chung một phòng khách sạn với nhau, nhưng chưa lần nào đi quá giới hạn bởi “Chúng ta không giống họ”, như bà Tô nói. Bằng những dụng ý điện ảnh đầy tinh tế trong cái nhìn ý nhị thuần Á Đông, cùng diễn xuất bằng mắt cuốn hút từ cặp diễn viên chính, bà Tô và ông Châu còn hơn cả một cặp tình nhân. Họ là tri kỉ, là chỗ dựa cho người kia trong lúc đơn côi, là nguồn cảm hứng để người kia thực hiện lại những mộng ước đã ngủ quên. Tình cảm vượt trên những dự toán thông thường của người trong cuộc:

  • Em không nghĩ anh lại yêu em
  • Anh cũng vậy. Anh cũng chỉ tò mò mọi thứ bắt đầu thế nào. Giờ anh biết rồi, cảm xúc cứ thế mà đến thôi. Anh nghĩ mình sẽ kiểm soát được.

truong man ngoc

Khi những cảm xúc dần vượt quá giới hạn, là lúc ông Châu và bà Tô nhận ra, sẽ không còn đường lui nếu tiếp tục gặp nhau lén lút như vậy. Ông Châu nhờ bà Tô đặt vé máy bay đi Singapore để tránh cho người kia những lời dị nghị. Tại thành cổ Angkor Wat, ông gửi vào những phiến đá ngàn năm nỗi niềm chan chứa trong lòng với mong muốn thời gian sẽ che giấu thêm “ngàn năm nữa”.

“Tâm trạng khi yêu” lãng mạn, đẹp đẽ dù không có những cảnh quay bốc lửa, gợi cảm, mà tất cả đến từ sự sắp đặt bối cảnh và dụng màu tinh tế của Vương gia. Trong tông màu chủ đạo là màu đỏ, đặc trưng cho hạnh phúc lứa đôi, bộ phim hiện lên với vẻ bí bức, ngột ngạt, như tình cảm đôi lứa mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc của cả hai. Nhiều cảnh phim bị che khuất bởi đồ đạc, ẩn dụ cho quan hệ có phần “khuất tất” của ca hai, hoặc là che đi nỗi tương tư trong lòng người.

quan he

Cảnh đẹp, người trữ tình, “Tâm trạng khi yêu” còn khó quên hơn nhờ phần nhạc phim có chọn lọc, khi gợi buồn, khi tình tứ tuôn trào. Bản nhạc nền chính Yumeji’s Theme chơi trên ba nốt tịnh tiến, làm nền cho tiếng violin cao độ da diết, càng như xoáy sâu vào nỗi ủ khuất của lòng người. Tại một Hongkong năm 60, nhạc nước ngoài như các nhạc latin của Nat King Cole (Aquellos ojos verdes, Te quiro dijiste magis …) dần phổ biến trong tầng lớp thị dân như ông Châu và bà Tô, làm không khí bộ phim thêm phần chân thực. Đặc biệt, bản nhạc Quizás, quizás, quizás (Perhaps, perhaps, perhaps) chơi nhiều lần trong phim còn mang nhiều ẩn ý:

“Days pass like this / Me, growing desperate / And you, you answering / Perhaps, perhaps, perhaps.”

“Có lẽ” nếu như ông Châu và bà Tô không gặp nhau trong tình huống tróe ngoe như thế này, họ “có lẽ” đã thành đôi. Nhưng nếu “có lẽ” vợ và chồng người kia không ngoại tình, chắc gì họ đã được biết đến nhau và mối tình day dứt, khắc khoải bậc nhất màn ảnh này đã xảy ra. Bản nhạc kết phim “Angkor Wat’s Theme” với tiếng cello kéo dài, vốn đã rất buồn, nay càng thêm trầm mặc khi máy quay lia về những tàn tích Angkor xưa, như tưởng nhớ về “thời khắc đẹp nhất đời người” nay đã bị thời gian chôn giấu.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *