Your cart is currently empty!
THE SHAPE OF WATER (2017) – Có thứ tình yêu mang “dáng hình của nước”
Mình không thích cách dịch tựa “Người đẹp và thủy quái” khi phim được phát hành ở Việt Nam. Mất công nhiều người xem phim xong lại thắc mắc: “Thủy quái đây rồi, thế còn người đẹp đâu?” Vẻ đẹp thật sự thì không thể nhìn thấy bằng mắt. Mà mình thấy sinh vật nửa…

Mình không thích cách dịch tựa “Người đẹp và thủy quái” khi phim được phát hành ở Việt Nam. Mất công nhiều người xem phim xong lại thắc mắc: “Thủy quái đây rồi, thế còn người đẹp đâu?” Vẻ đẹp thật sự thì không thể nhìn thấy bằng mắt. Mà mình thấy sinh vật nửa người nửa lưỡng cư kia mang dáng dấp của một vị thần thiên nhiên hơn là một loài thủy quái.
Vì sao? Vì nguồn gốc xuất xứ của “anh ta”. Sinh vật này được bắt mang về từ một dòng sông ở Nam Mỹ, nơi mà người dân tôn thờ anh ta như một vị thần. Và, còn bởi vì những phẩm chất rất đẹp của anh ta nữa. Biết cảm nhận âm nhạc, hiểu được ngôn ngữ loài người (dù không cần nói) và còn biết cảm nhận tình yêu. Anh ta là một phần của tự nhiên, thuộc về tự nhiên với hai mặt đối lập. Anh ta có thể chữa lành những vết thương, làm tóc người mọc lại nhưng anh ta cũng có thể hủy hoại sự sống. Thể hiện ở những chi tiết như cắn đứt hai ngón tay của viên đại tá Strickland khiến chúng bị hoại tử, thối rữa và không sao lành lại được. Hay chi tiết ăn tươi nuốt sống con mèo Pandora.
Trong khi đó, “cô dâu thủy thần” lại là một cô gái hết sức bình thường, thậm chí có phần yếu thế trong xã hội. Cô có nhan sắc bình thường, xuất thân mồ côi, làm công việc lao công dọn vệ sinh và cô bị câm. Cuộc sống của cô cứ trôi qua mỗi ngày đều đều, nhàn nhạt như nhau. Sáng dậy luộc mấy quả trứng, đặt hẹn giờ rồi bước vào bồn tắm, trong lúc chờ trứng chín thì tranh thủ “thẩm du” một tí, sau đó sửa soạn đi làm và bóc một tờ lịch trên tường. Một ngày lại trôi qua và ngày nào cũng như thế. Đến những khoái cảm thể xác cũng trở thành nhu cầu hàng ngày như ăn cơm, uống nước chứ không hề có tình yêu, không cần một người đàn ông hiện diện.
Cho đến một ngày, cô gặp sinh vật kỳ lạ, nửa người nửa động vật kia. Elisa và thủy thần có thể giao tiếp với nhau, hiểu nhau mà không cần một lời nào cả. Tình yêu của họ có lẽ nảy mầm từ sự đồng cảm, thấu hiểu. Thứ tình yêu mang hình hài của nước, mềm mại như nước, trong vắt và thuần khiết như nước.
Nếu bạn mong chờ một câu chuyện na ná như “Người đẹp và quái vật” thì có lẽ bạn sẽ phải bất ngờ. Không có cổ tích nào giữa một xã hội đầy bạo lực, coi thường phụ nữ. Shape of water còn hết sức táo bạo với những cảnh ân ái giữa người và sinh vật nửa người, nửa thú.
Với mình, đây là bộ phim quyến rũ, dễ xem, dễ cảm. Tất nhiên là không phù hợp với người dưới 18 tuổi.
Share with
/
Để lại một bình luận